LÀM CHỦ HIỆU ẢNH TƯỞNG DỄ MÀ KHÓ | BÀI 2 – ẢNH IN TỪ MINILAB XẤU ĐẸP CŨNG CÒN TÙY | PODCAST

(Đây là một bài viết dưới góc nhìn của một cựu nhân viên Kodak)

Chào các Bạn, lần này tôi nói về chất lượng ảnh in từ MiniLab. Và xin trả lời luôn, ảnh MiniLab chắc chắn là phải đẹp, chứ sao lại không được. Dĩ nhiên với điều kiện là MiniLab đó sử dụng giấy gì? Hóa chất nào? Mực in xuất xứ từ đâu?  Và có tuân thủ những yêu cầu nghiêm túc khác về mặt kỹ thuật hay không? Thêm nữa khách hàng là người mua dịch vụ, có chấp nhận tiền nào của nấy không? Hay chỉ than vãn mà không chịu trả đúng giá trị món hàng mình mong đợi. Trừ khi các bạn vẫn phải trả nhiều tiền mà chỉ nhận về đồ giả?.Chúng ta thử tìm hiểu xem nhé.

Phải công nhận rằng chưa khi nào, để làm ra một tấm ảnh thời công nghệ kỹ thuật số nó lại dễ dàng và nhanh chóng như thời này. Tôi nói dễ thôi nhé, chứ chưa nói đến chuyện xấu đẹp và đã đủ tiêu chuẩn để gọi là một tấm ảnh thương mại hay chưa. Một người dùng bình thường, với một phần mềm biên tập ảnh nghiệp dư trên chiếc điện thoại thông minh rẻ tiền cũng được và có trang bị một máy in phun màu văn phòng với chức năng kết nối không dây là có thể in ra ảnh được rồi. Dù không chắc là có hoàn hảo hay không, nhưng cũng xem như thỏa chút đam mê thú chơi ảnh nghiệp dư, và trên hết có cái để chia sẻ với bạn bè, hay đặt trên bàn làm việc của mình như nhắc nhở về một khoảnh khắc đáng nhớ nào đó.

Nhưng để kinh doanh nghề ảnh thì lại là một câu chuyện khác hẳn. Muốn làm ăn thì phải đầu tư, tùy vào khả năng tài chính, mà cân nhắc lựa chọn giải pháp và trang thiết bị cho công việc mình. Giá nào cũng có, đáp ứng mọi công suất và chất lượng, từ vài trăm vài nghìn cho đến hàng trăm nghìn dollars. Từ một thợ ảnh chập chửng mới vào nghề, có ít vốn nhưng thừa đam mê cho đến một chủ tiệm nhiều tiền muốn đầu tư vào ngành chụp và in ảnh đều có lựa chọn phù hợp cho mình. Khách quan mà nói về mặt nguyên tắc, ảnh in từ MiniLab với những tuân thủ về tiêu chuẩn nghiêm ngặt theo khuyến cáo của nhà sản xuất sẽ luôn cho ra những tấm ảnh chất lượng cao với mức độ hoàn thiện tốt nhất.

Lần lượt chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn vấn đề này. Nhưng như đã nói ở bài 1 về hiện trạng kinh doanh ngành ảnh ở Việt Nam, thì thời ngành ảnh ăn đong như hiện nay hiếm có người dám đầu tư vài tỷ đồng cho một cửa hàng dịch vụ ngành ảnh nếu không có sẵn nguồn khách hàng đủ để đáp ứng hiệu suất của hệ thống. Ngoài ra, để làm được điều này cũng cần am hiểu ít nhiều về mặt đồ họa, công nghệ và truyền thông thời 4.0 để hỗ trợ tốt cho công việc kinh doanh của mình.

Sau đây là một chút nhận xét cá nhân về chất lượng ảnh in từ các hệ thống MiniLab đang có mặt trên thị trường.

Nếu nói về Lab thì hiện nay có 2 loại công nghệ khác nhau. Một loại là sử dụng hệ thống MiniLab cũ của Noritsu, Fuji theo quy trình hiện ảnh bằng hóa chất có mặt từ đầu những năm 2000, và một loại Drylab thế hệ mới thường là của Noritsu với công nghệ in phun mực với đầu in Vi áp điện (Piezoelectric) từ Epson với giá vốn đầu tư cũng không hề rẻ..

 

  1. Nói về MiniLab sử dụng hóa chất: Đây là hệ thống Lab Kỹ thuật số kiểu cũ, sử dụng đầu in Laser và quy trình hoàn thiện ảnh bằng hóa chất, có tuổi thọ từ 10 đến 20 năm tuổi. Hệ thống này đã cũ kỹ, phần mềm với hệ điều hành lỗi thời lạc hậu, tình hình kinh doanh không thuận lợi với doanh số thấp nên hệ thống máy vận hành không thường xuyên khó lòng đạt công suất tối thiểu, người làm ảnh muốn có giá thành rẻ nên sử dụng giấy và hóa chất không chính hãng (Đa phần của China), dẫn đến chất lượng ảnh in ra kém, màu sắc không hoàn hảo. Các loại hóa chất không đảo trộn thường xuyên dễ bị oxyd hóa làm suy giảm chất lượng. Dẫn đến tình trạng ảnh in ra có khi còn thua cả ảnh in từ máy in phun hoặc in nhiệt Dye Sublimation từ màu sắc cho đến độ bền màu.

Nói thêm về vấn đề này, nhớ lại ngày trước, các công ty như Kodak, Fuji có hệ thống hỗ trợ chăm sóc khách hàng đồng bộ nhằm mục đích duy trì chất lượng ảnh in ra đúng theo tiêu chuẩn của hãng. Ví dụ như Eastman Kodak có đội ngũ kỹ thuật viên QMS (quality monitoring service) thường xuyên test hóa chất định kỳ hằng tháng tại các lab trong hệ thống Kodak Express, kiểm tra chất lượng bằng các Filmstrip theo quy trình hóa chất C41 và Control strip theo quy trình RA4 rồi đo thông số màu sắc bản in ra bằng Densitometer cực kỳ chính xác.

Điều đó thể hiện các loại hóa chất được pha đúng công thức, phát hiện sự xuống cấp vì hiện tượng Oxy hóa (Oxidization) cùng với chất lượng nước có tinh khiết hay đã nhiễm phèn và các tạp chất khác. Hơn thế nữa, động thái này gọi là hỗ trợ nhưng nhằm đánh giá thực chất vật tư đang sử dụng nhằm phát hiện sự thiếu trung thực của chủ cửa hiệu nếu đánh tráo bằng hóa chất rẻ tiền của China thay vì hàng chính hãng để hạ giá thành sản phẩm.

Đa phần, khi hóa chất bị biến chất hay không đúng chất lượng, thì các chỉ số BP không đen và D-Min không trắng.

Tôi nhớ cách đây nhiều năm, trong một lần kiểm tra chất lượng theo chương trình QMS Kodak tại một MiniLab ở miền tây. Đo ControlStrip cho thấy các chỉ số đều không đạt, ảnh in ra có màu sắc lù mù, chỗ cần đen thì không đen và chỗ cần trằng thì không trắng, tấm ảnh thiếu sự trong trẻo tạo cảm giác khó chịu. Dù chủ Lab quả quyết chỉ sử dụng hóa chất Kodak chính hãng. Cuối cùng khi kiểm tra các thùng đựng hóa chất trong hệ thống Lab, tôi phát hiện dưới đáy thùng có rất Oxyd sắt kết tủa đỏ hoét đóng dày trên thành thùng. Chị chủ Lab cho biết nước pha hóa chất là nước giếng khoan, đã bị nhiễm phèn nặng.

Sau đó tôi yêu cầu rút bỏ toàn bộ, và cho người mua về mấy thùng nước tinh khiết để pha lại hóa chất khác. Chắc các bạn cũng đoán được, màu sắt hình ảnh in ra sau đó trở nên khác biệt một trời một vực.

Có những chủ Lab không biết do tiết kiệm hay xem nhẹ khâu rửa ảnh cuối cùng một cách tùy tiện. Quy trình hóa chất của Lab bao gồm các bước Developer, Bleach-Fix và Stabilizer. Thay vì sử dụng Stab ở bước cuối thì họ chỉ sử dụng nước lã cho đỡ tốn. Cách làm này, khiến cho tấm ảnh không được tẩy sạch lớp Clorua Bạc thừa còn đọng lại trên sợi giấy. Lâu ngày sẽ khiến ảnh bị ngã vàng và phai mầu, ảnh hưởng đến độ bền màu của bản in.

MiniLab với công suất cả ngàn tấm ảnh 10×15 trong một giờ, công đoạn tẩy rửa và ổn định hình ảnh chỉ có vài giây, rồi sau đó chạy qua dàn sấy. Quả thật nó không đủ thời gian tẩy sạch hóa chất trên mặt giấy nếu bạn chỉ sử dụng nước lã thay cho Stabilizer.

Thời còn làm ảnh thủ công mấy chục năm trước, sau khi hoàn tất quy trình tráng rọi, Ba tôi thường xả ảnh với nước lạnh nhiều lần, để ảnh ngâm dưới vòi nước chảy rỉ rả qua đêm nhất là đối với những ảnh lớn. Ba tôi nói làm thế có thể giữ ảnh lâu đến vài chục năm mà không bị ố vàng. Sau này tôi biết rằng cách làm đó hoàn toàn đúng đắn dù có hơi ….tốn nước.

 

  1. DryLab thế hệ mới: Với phong trào bảo vệ môi trường, hãng Noritsu hợp tác với Epson cho ra mắt loạt Dry Lab QSS-Green kiểu mới không sử dụng hóa chất. Thật ra đó chỉ là máy in phun được thiết kế theo kiểu công nghiệp có công suất lớn và độ bền sản phẩm cao hơn máy in dân dụng. Nhà sản xuất nói rằng giấy và mực đã được tích hợp công nghệ chống tia tử ngoại (UV: Ultraviolet), làm cho ảnh in ra bền màu và giảm thiểu tác động của ánh sáng mặt trời..

Sản phẩm in phun chất lượng cao luôn cho sản phẩm có màu sắc rực rỡ, rất phù hợp với nhiếp ảnh nghệ thuật. Dĩ nhiên vật liệu tiêu hao là giấy và mực in chính hãng là hai yếu tố rất cần thiết để đảm bảo chất lượng bản in.

Nếu người làm ảnh chạy theo lợi nhuận cố ý sử dụng giấy mực nhái của một hãng thứ ba (thường có xuất xứ từ Trung quốc) thì màu sắc và độ bền màu của tấm ảnh không thể kéo dài và đạt tiêu chuẩn thẩm mỹ. Đó là còn chưa nói đến chất lượng mực không chính hãng có thể làm giảm tuổi thọ đầu in, là một linh kiện chủ yếu của hệ thống và dĩ nhiên rất đắt tiền.

 

Nói tóm lại, phải hiểu rằng hình ảnh được in từ MiniLab lẽ ra thì phải rất hoàn hảo vì nó hội đủ nhiều yếu tố cần thiết bao gồm hệ thống máy móc hiện đại. giấy, hóa chất và mực in cao cấp chính hãng. Nhưng vì lý do nào đó, thường là do chủ quan, tham lợi nhuận nên bỏ qua mục đích lớn nhất là sự hài lòng của khách hàng.

Nói đi thì cũng phải nói lại, người dùng luôn có tâm lý ham rẻ cũng là nhân tố quan trọng khiến Chủ Lab tìm đủ mọi cách hạ giá thành sản phẩm, điều đó dẫn đến sự xuống cấp chất lượng.

Ngoài ra còn phải kể đến tay nghề của kỹ thuật viên bấm máy, nhân viên làm đồ họa photoshop trong xử lý hình ảnh và nhiều yếu tố chủ quan khác.

Kinh doanh MiniLab không hề dễ dàng, nhất là trong giai đoạn này. Nó đòi hỏi năng lực nâng cao rất nhiều nơi người quản lý, không chỉ bằng khả năng kinh doanh mà còn đòi hỏi nghiệp vụ kỹ thuật đa năng để thích nghi với sự tiến bộ của công nghệ đang phát triển quá nhanh chóng.

Mục tiêu lớn nhất của nhiếp ảnh là gì? Dĩ nhiên là để có được tấm ảnh đẹp. In ảnh là khâu cuối cùng cho ra tấm ảnh, nếu bản in xấu thì mục đích nghệ thuật và thẩm mỹ không đạt được. Vậy thì sao mà thành công được. Phải không?

Qua câu chuyện này, hy vọng mọi người hiểu thêm cái khó khăn của người làm ảnh trong một thị trường nghề ảnh phải gọi là khá méo mó hiện nay. Cảm ơn các Bạn đã theo dõi bài viết. Nhớ đăng ký kênh và chia sẻ các Bạn nhé.

Saigon, Ngày 18/05/2022

0 0 votes
XẾP HẠNG BÀI VIẾT
Subscribe
Notify of
guest
0 Các Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments