
(Đây là một bài viết dưới góc nhìn của một cựu nhân viên Kodak)
Hôm trước có một ông chủ tiệm hình nói vui khi thấy tôi đến giao máy in ảnh: “Trời ơi lâu quá mới gặp lại anh. Bây giờ hình như chỉ còn có mình anh làm về ngành ảnh thôi nhỉ ?!” Ý ông này nói về ngành ảnh ở đây nghĩa là nói về dịch vụ cung cấp vật tư và kỹ thuật cho ngành ảnh một cách chuyên nghiệp. Thật ra đó chỉ là một câu đùa hơi quá làm mình thấy chạnh lòng và cũng khiến tôi không biết nên vui hay buồn nữa.
Với riêng tôi, ngành ảnh truyền thống đã báo hiệu suy tàn kể từ ngày 19-01-2012, đó là ngày tập đoàn Eastman Kodak tại Hoa Kỳ làm đơn xin bảo hộ phá sản sau 120 năm làm nên lịch sử và thống trị ngành ảnh trên khắp thế giới.
Còn ngay tại Việt Nam thì sao? Nói theo suy nghĩ của các ông bà chủ MiniLab thì hiện nay nghề ảnh đã …hết thời. Có thật sự là như thế không? Đứng trên góc độ của một nhà cung cấp thiết bị và vật tư ngành ảnh truyền thống thì tôi xin xác nhận suy nghĩ đó đúng chóc. Nhưng phải nói cho đúng rằng sự suy thoái này không phải là hệ quả của việc Kodak rút lui khỏi thị trường ngành ảnh dân dụng, mà nguyên nhân chính thật ra là do sự biến đổi thói quen tiêu dùng dưới tác động sâu sắc của sự phát triển vũ bão về công nghệ kỹ thuật số và lưu trữ đa phương tiện. Cho nên nhận xét dưới góc độ kỹ thuật và công nghệ thì ngành ảnh vẫn đang tồn tại và phát triển theo một cách thức hiện đại khác mà ta có thể cho là phi truyền thống.
Tôi xin mở ngoặc ở đây một chút, những bảng hiệu Kodak Express mà các bạn vẫn nhìn thấy nhan nhãn ngoài đường gắn trước mặt tiền các tiệm ảnh lớn nhỏ thật ra không còn thuộc mạng lưới Kodak từ rất lâu rồi. Tôi xin lập lại, hãng Kodak Mỹ đã phá sản và chính thức đóng cửa 10 năm trước. Tuy logo Kodak vẫn còn hiện diện khắp nơi trên toàn cõi Việt nam vì người ta vẫn xem đó là một biểu tượng của nghề ảnh mà phải may ra rất rất là lâu nữa dân làm nghề ảnh kỳ cựu mới có thể quên mất. Và dĩ nhiên cũng vì Eastman Kodak không còn tồn tại ở Việt Nam nữa để phát đơn kiện các cửa hàng vi phạm bản quyền Logo thương hiệu. Các Bạn cũng cần nên biết, nếu hiện nay có còn ai sử dụng giấy in ảnh dưới thương hiệu Kodak thì đó chỉ còn là sản phẩm được nhượng quyền của Kodak Alaris tại vương quốc Anh, và công ty này bán ra sản phẩm media nhờ mua lại bản quyền từ Kodak Mỹ, dĩ nhiên hãng này cũng không có trách nhiệm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp như ngày xưa mà Eastman Kodak đã từng làm.
Tôi nhớ hơn hai chục năm trước, trong khoảng thời gian 1985 đến 2008, ngành ảnh (bao gồm chụp, tráng phim và in ảnh) thay đổi từ ảnh trắng đen đến ảnh màu, từ tráng rọi ảnh thủ công đến in ảnh tự động bằng các hệ thống MiniLab. Ngành ảnh thời đó phát triển rầm rộ đã giúp rất nhiều thợ chụp ảnh làm giàu, nhiều người tự nâng cấp thành các ông bà chủ Lab có xe hơi nhà lầu trong một thời gian không dài lắm. Thậm chí có nhiều chủ Lab nổi tiếng là đại gia có máu mặt lúc ấy.
Nhưng thời vàng son rồi cũng không kéo dài. Tôi chỉ nói về thời đó thôi nghen, việc các ông chủ Lab lên voi xuống chó sau đó vì không thể thích nghi với sự phát triển công nghệ thì lại là một vấn đề mà chúng ta sẽ nói đến trong những bài viết khác.
Trở lại với những năm 1995 đến 2008, sự có mặt của các nhãn hiệu lớn nhất trong ngành ảnh toàn cầu như Kodak, Fujifilm, Konica đánh dấu một thời kỳ cực thịnh của ngành nhiếp ảnh nói chung và các cửa hiệu trang bị hệ thống MiniLab nói riêng. Mà Kodak là một biểu tượng hàng đầu chiếm ưu thế gần như tuyệt đối trong việc cung cấp vật tư ngành ảnh dân dụng trên thị trường Việt Nam.
Với chiến lược cạnh tranh nhằm thống trị một thị trường tiêu thụ các sản phẩm chụp và in ảnh trên một đất nước hơn 80 triệu dân, từng có giai đoạn mà các tập đoàn đa quốc gia chuyên cung cấp vật tư ngành ảnh đã hạ giá giấy và hóa chất in ảnh dành cho MiniLab xuống đến mức rẻ mạt chưa từng có. Động thái kích thích tiêu dùng này như một điều khiện kích hoạt nghề ảnh bước vào một thời kỳ huy hoàng độc nhất vô nhị mà tôi nghĩ sau này chắc còn lâu lắm mới có thể quay trở lại, mà cũng có khi sẽ là không bao giờ. Tôi nhớ có những cửa hàng MiniLab Kodak in đến 15-20.000 ảnh khổ 10x15cm trong một ngày vào mùa lễ tết. Doanh số mua giấy và hóa chất dành cho các MiniLab dẫn đầu lên đến từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi tháng là chuyện thường tình. Số liệu của những năm 2000 – 2010 cho thấy những Lab này đã thu lãi bạc tỷ mỗi tháng trong một thời gian dài.
Khách hàng của họ là giới thợ chụp ảnh đông đảo và vô số khách vãng lai ham thích sưu tập ảnh. Họ là nhân tố chủ lực góp phần làm giàu cho các hiệu ảnh có trang bị các hệ thống MiniLab quang học và sau đó là Kỹ thuật số.
Cần biết rằng danh xưng thợ chụp ảnh khác với tên gọi nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, cách dùng từ này thật ra chưa ổn lắm, nhưng cứ tạm gọi là vậy để dễ phân biệt. Nhiếp ảnh gia là những người xem việc chụp ảnh là một nghệ thuật sáng tạo ngang hàng với những ngành nghề sáng tạo khác, họ là những Freelancer có tư chất nhà văn nhà thơ hay nhạc sĩ trong nghề chụp, và thể hiện tác phẩm của mình bằng công cụ máy ảnh, thậm chí họ có thể tự mình chăm chút trong cách in ra ảnh trên giấy để thể hiện chính xác ý tưởng theo yêu cầu sáng tác của….chính mình, hay xa hơn là đáp ứng những đơn đặt hàng từ những khách hàng khó tính.
Còn thợ chụp ảnh là ai? Họ có thể là tất cả số đông trong chúng ta, coi hành vi bấm máy là một nghề kiếm sống không đòi hỏi đầu tư phức tạp. Những người này có thể mở hiệu ảnh nhỏ, chụp hình dạo v/v…
Sắm một cái máy chụp ảnh hiệu Canon, Nikon gì đó là đã có thể kiếm cơm được rồi. Thợ chụp ảnh dạo xuất hiện lềnh khênh, nhìn đâu cũng thấy, từ trong nhà ngoài phố, công viên, bãi biển, chùa chiền, lăng tẩm…Vì người Việt thích chụp ảnh, người ta chụp ảnh mọi nơi mọi lúc. Và sau đó muốn in ra giấy ảnh, mỗi cuộn Film là một cuốn Album cỡ nhỏ. Chụp đám tiệc, đám ma, đám cưới, sinh nhật, thôi nôi, đầy tháng…. Với khổ ảnh postcard 10x15cm chiếm gần như tuyệt đại đa số trong sản lượng của MiniLab.
Trong chiến lược phát triển của Kodak Vietnam thời đó có mạng lưới hỗ trợ cho giới thợ ảnh tại nhà mở cửa hàng nhỏ lẻ chuyên chụp ảnh thẻ, bán máy ảnh và các loại phụ kiện liên quan. Kodak gọi họ là các Photo Shop Kodak Film. Chiến lược phát triển cho loại cửa hàng này nhằm Marketing sản phẩm Kodak, bao gồm hỗ trợ kỹ thuật và cả hỗ trợ trang bị biển hiệu, tủ quày nhằm khuyến khích mở cửa hàng càng nhiều càng tốt. Đây là một hình thức chân rết của các MiniLab Kodak Express.
Nhìn chung ngành ảnh dân dụng phân hóa chủ yếu thành hai giới riêng biệt, thợ chụp ảnh và các ông bà chủ MiniLab. Khái niệm nhiếp ảnh của giới thợ chỉ đơn thuần là bấm và chụp với kỹ năng đơn giản và chịu dầm mưa dãi nắng, còn các ông bà chủ Lab đảm nhiện khâu cuối cùng là in ra ảnh giấy thì cần vốn và sự giao thiệp rộng trong giới thợ để cho các hệ thống MiniLab gom đủ công suất tráng film và roị ảnh. Họ còn đảm nhiệm thêm dịch vụ Scan film nhựa ra File ảnh KTS để phục vụ lưu trữ.
Trong giai đoạn này phải nói rằng máy ảnh phim chiếm vị trí then chốt và thể hiện xuất sác vai trò của mình trong thời hoàng kim đó.
Với máy ảnh Film, sau khi chụp cần phải tráng rọi thì mới có thể xem ảnh. Người đam mê chụp ảnh có thể lưu giữ hàng đống hình lưu niệm trong những cuốn Album tại nhà. Và người ta có thể khoe album ảnh chụp gia đình, bạn bè với nhau trong những dịp gặp gỡ họp mặt. Đó là một nét văn hóa đặc sắc mà ngày nay gần như đã biến mất. Kể cũng đáng tiếc. Dịch vụ in tráng rọi ảnh phát triển mạnh nhờ vào nhu cầu này.
Để đầu tư các hệ thống MiniLab từ DLS 2721, QSS 3001, QSS 3101 của các hãng sản xuất thiết bị in ảnh chuyên nghiệp như Noritsu, Fuji…Những hệ thống phức tạp này bao gồm film scanner, laser head printing, photo finishing sytem, computer…chủ Lab phải bỏ ra một số tiền lớn từ 70 đến 135000 USD thời đó là cả một gia tài, và đa phần lúc ấy người ta đủ tự tin chấp nhận giải pháp thế chấp nhà để xin vay tài chính. Phải có ăn mới dám làm chứ. Thật ra trong làm ăn có những rủi ro nghiêm trọng ngoài ý muốn dành cho một số người khác khi họ đã phải chịu thất bại, mất nhà cửa vì khoản đầu tư khá lớn này. Ở đời không phải ai cũng gặp thời và sự may mắn.
Những hệ thống in ảnh Lab này từng là niềm mơ ước của giới thợ ảnh thức thời và năng động, thì ngày nay nó chỉ còn là những đống sắt vụn buồn bã không hơn không kém.
Khi công nghệ kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ trong việc chụp, in ảnh, chia sẻ và lưu trữ ảnh , cùng với sự phổ cập internet và bùng nổ mạng xã hội, thì máy ảnh kỹ thuật số rồi đến smartphone, cùng với điện toán đám mây từ từ đánh dấu chấm hết cho ngành dịch vụ in ảnh giấy theo kiểu truyền thống và bắt đầu kỷ nguyên khai tử phim nhựa với quy mô toàn cầu.
Khi xã hội nhận ra sự hấp dẫn và quyến rũ khó cưỡng của máy ảnh kỹ thuật số cá nhân thông qua những tính năng ưu việt cùng với lợi ích hiển nhiên mà nó mang đến cho người dùng, thì tôi đã đoán được đây là một lời cảnh báo khủng khiếp đến tương lai của việc kinh doanh ngành ảnh truyền thống.
Thế rồi việc gì đến thì cũng phải đến, những chiếc máy ảnh số Compact thời trang, nhỏ gọn dành cho người dùng không chuyên trang bị chế độ chụp tự động mà con nít cũng thao tác được bắt đầu chiếm lĩnh thị trường thì người ta cũng tự chuyển file ảnh từ thẻ nhớ vào máy tính hay các ổ đĩa USB flash drive mà không còn in ra giấy vô tội vạ như trước, thì nguy cơ sụt giảm doanh số của các Minilab bắt đầu xuất hiện.
Nhưng tai họa đâu đã hết, ngay sau đó là hàng loạt Model điện thoại di động chụp ảnh mà người ta gọi bằng thuật ngữ Camphone bắt đầu xâm nhập và khuấy động thị trường. Mọi người hẳn còn nhớ những chiếc Nokia 6600, 7650, N93, N95 từng là niềm ao ước của nhiều dân ghiền công nghệ tại Việt Nam thời đó. Lúc ấy tôi có suy nghĩ, đến ngày nào máy ảnh điện thoại được nâng lên quá 8MP thì ngành ảnh truyền thống hiện rõ tác hại của sự khủng hoảng này. Và dự đoán đó chẳng hề sai một ly ông cụ nào hết, vì ai cũng thấy đâu chỉ như thế, ngày nay smartphone được trang bị máy ảnh lên đến 42MP và còn hơn thế nữa.
Trước tiên phải nhìn thấy hiện tượng người dùng cuối Selfie bằng smartPhone và sử dụng máy chụp ảnh cá nhân trong mọi tình huống sẽ là điều tất yếu khi sản phẩm công nghệ ngày càng nhiều tính năng, fashion, đẹp , bền và rẻ. Nó phủ sóng như một quy luật tất yếu về cung cầu trong tiêu dùng, cho đến khi 100% người dùng gần như mất hẳn nhu cầu cần đến thợ chụp ảnh, thì việc kinh doanh dịch vụ ngành ảnh đi đến chỗ lụi tàn. Ai cũng có Camera, thì cần thợ ảnh làm gì? Chia sẻ ảnh chụp cho nhau qua Instagram, Facebook, Twiter, Zalo ngay tức thì cần gì in ra ảnh giấy chi cho tốn tiền mất thời gian. Lưu trữ ảnh thì các kho đám mây miễn phí là quá đủ cho một người dùng bình thường không chuyên nghiệp.
Đã vậy mà có thôi đâu, những năm 2012 – 2016 ngành in ảnh giấy đón nhận hàng loạt sản phẩm máy in ảnh nhiệt kỹ thuật số lấy liền như Canon Selphie, HiTi P110S xuất hiện tràn lan ở các điểm du lịch, tiệm in ảnh thẻ…Bản in dù có đắt đôi chút, nhưng chụp là có ngay, không ai phải chờ đợi, mà chất lượng màu sắc có khi còn hơn cả ảnh in ra từ MiniLab lại bền bỉ, không thấm nước. Công nghệ in nhiệt Thermal Dye Sublimation này góp phần không nhỏ trong việc làm cho các hệ thống MiniLab to đùng bị chia sẻ lợi nhuận và như một đòn bồi thêm để cuộc giảy giụa mau đến hồi kết thúc..
Sự suy thoái như một vết dầu loang. Đến năm 2022 thì dịch vụ in ảnh chỉ còn thấy ảnh thờ, ảnh cưới và ảnh thẻ. Thợ chụp ảnh tại các điểm du lịch dần biến mất hẳn. Phải nhận xét rằng, giai đoạn suy tàn này đến với thị trường in ảnh miền Bắc chậm hơn tại miền nam, vì đặc điểm có nhiều khu du lịch và lễ hội trong năm, cùng với thói quen tiêu dùng truyền thống khó bỏ. Nhưng đến chậm chứ không phải là không đến. Các nhà cung cấp vật tư ngành ảnh lần lượt phá sản và giải thể. Một hệ thống Lab với công suất in ra 1000 ảnh/giờ không lẽ chỉ để dành in vài chục ảnh 10×15 một ngày mà doanh thu không đủ tiền điện để chạy máy Lab. Không ai dùng búa tạ để đập ruồi, nên lẽ tất nhiên khi các MiniLab phải dần biến mất thì các nhà cung cấp vật tư cũng phải tính đường thu xếp để cuốn gói..
Cái khó ló cái khôn, cái này chết thì cái khác xuất hiện, hàng loạt các cửa hiệu in ảnh thẻ mới xuất hiện để mong lấp chỗ trống. Có lẽ chỉ có nhu cầu ảnh thẻ thì không bao giờ hết. Các cửa hàng này tương tự các cửa hàng Kodak Film thời trước nhưng nhỏ hơn nhiều, vì các chủ hiệu ảnh nhỏ này phải tự bơi mà không còn được nhà cung cấp nào hỗ trợ. May ra thì nó còn được hoạt động bằng những máy in ảnh nhiệt cỡ nhỏ in khổ 10×15 với giá thành cao hơn in từ lab nhưng chất lượng thì không hề thua kém. Dù vậy cũng có rất nhiều người sử dụng máy in phun mực liên tục dành cho văn phòng để in ảnh màu đến cỡ 20x30cm. Độ bền của tấm ảnh là một dấu hỏi to tướng, nhưng có hình in ra đủ màu là được rồi. Xuê xoa cũng chấp nhận được. Đó cũng là một biểu hiện xuống cấp hiển nhiên của ngành ảnh chuyên nghiệp. Nói là cửa hiệu cho xôm tụ, chứ thật ra nhiều tiệm ảnh chỉ có trần xì cái máy in kèm theo máy tính và không gian thì vắng tanh vắng ngắt suốt cả ngày.
Công nghệ phát triển làm biến đổi nhu cầu và lối sống. Thói quen tiêu dùng thay đổi quyết định sự thành bại trong việc kinh doanh nói chung và ngành ảnh nói riêng. Còn các nhà khoa học thì vẫn cứ miệt mài thay đổi thế giới mà chẳng thèm đếm xỉa gì đến tác động kinh doanh và sự khao khát làm giàu của các ông bà chủ Lab.
Trong khi đó thì toàn dân hoan hỉ chia sẻ ảnh tự chụp cho nhau bằng cái điện thoại thông minh luôn kè kè bên mình mà ai cũng có, có người sở hữu đến hai ba cái phone một lúc. Họ chụp , quay Video mọi lúc mọi nơi và tự xử lý bằng đủ các app biên tập ảnh chụp được cung cấp miễn phí trên các con dế của mình, rồi post ngay và luôn lên mạng như một lời chia sẻ nóng sốt. Vậy thì giới thợ chụp ảnh dạo còn cửa nào để sống sót?
Thật ra thì cũng còn đó, nhưng nó lại là một câu chuyện khác như đã nói ở phần đầu, và cũng thành thật xin lỗi khi nói rằng nó không dành cho các ông thợ vườn mù công nghệ mà tôi sẽ đề cập đến trong những bài viết kế tiếp.
SG,30/04/2022